Dưới đây là danh sách Các loại bài ở việt nam Chúc các bạn tìm được những thông tin hữu ích
Bên cạnh những tập tục quan trọng và ý nghĩa như thăm chúc họ hàng, viếng chùa chiền và trao nhau những bao lì xì đỏ, một hoạt động được người Việt yêu thích trong dịp đầu năm là gặp gỡ bạn bè để chơi những trò chơi kinh điển như Lô tô hay Cá ngựa. Trong đó, các ván bài tây là được ưa chuộng nhất vì mang lại nhiều sự thích thú, phấn khích cùng khả năng gây chia rẽ cực cao, có thể khiến hội bạn thân phải tương tàn, tình chị em phải rạn nứt vì những lần sát phạt “không nương tay.”
Lời từ ban biên tập: Saigoneer không khuyến khích các lối chơi bài thiếu lành mạnh. Bài viết khai thác luật chơi đơn thuần của các ván bài giao lưu đầu năm.
Nhân dịp Tết lại gần kề, Saigoneer xin điểm qua những kiểu chơi bài phổ biến nhất hai miền Nam-Bắc trong cẩm nang rút gọn sau đây. Dù là người mới nhập môn cần ôn tập cấp tốc, hay lão tướng thượng thừa cân hết cả team, chúng tôi mong độc giả nào cũng sẽ biết thêm điều gì đó hay ho về thú vui quốc dân này cho những ngày mùng sắp tới.
1. Tiến lên Miền Bắc
Thật khó để viết về những trò chơi bài Tây phổ biến dịp đầu xuân với cách tiếp cận “trong sáng” nhất, mà không đả động tới các vấn đề “trong tối.” Dù biết vậy, người viết vẫn muốn khởi đầu với tinh thần vô tư nhất và giới thiệu một trò chơi được cả người lớn lẫn trẻ nhỏ yêu thích những ngày Tết này: Tiến lên.
Nếu thường chơi theo luật Tiến lên miền Bắc, bạn có thể bỏ qua phần sơ lược luật chơi; nếu đã quen với cách chơi miền Nam, có lẽ bạn chỉ cần lướt mắt qua một chút; còn nếu chưa nghe tới Tiến lên bao giờ, nội dung sau đây nên được chụp lại và cài đặt làm hình nền điện thoại vì nó sẽ giúp bạn kết thân bạn mới dễ dàng hơn, cải thiện vận may (và biết đâu cả tài chính) trong những buổi giao lưu đầu xuân, vì không sòng nào là không có Tiến lên.
Tiến lên miền Bắc có luật chơi gần giống trò tú lơ khơ President của phương Tây. Số người chơi thường là bốn hoặc đông hơn; nếu có bốn người tham gia, toàn bộ bộ bài được chia đều hết, mỗi người nhận 13 lá. Người đánh sau chặn người đánh trước bằng những lá bài có số lớn hơn hoặc mạnh hơn. Ai đánh hết bài trước dành chiến thắng.
So với Tá lả hay Phỏm, một kiểu chơi cũng rất phổ biến ở miền Bắc, luật đánh của Tiến lên đơn giản hơn rất nhiều, có thể ví như đại số Trung học cơ sở và đại số Trung học phổ thông.
Về cơ bản, chỉ có hai luật chính: thứ tự số và quy luật chặt. Trước hết là thứ tự số: nếu cùng chất, bộ số tiến từ thấp đến cao sẽ là: 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, J, Q, K, A, 2.
Luật thứ hai, cũng là điểm khác biệt lớn nhất so với Tiến lên miền Nam, là khi muốn “chặt” bài người đánh trước, người chơi cần ra lá có số lớn hơn có cùng màu, cùng chất. Ví dụ, khi muốn chặt cây ♠9, bạn không thể đánh ♥10, mà cần đánh lá ♠ có số lớn hơn như ♠10.
Xem thêm|: Tổng hợp 3 cafe minh khai mới nhất
Quy luật này cũng áp dụng với các bộ đôi cùng số (chỉ có đôi ♦5 ♥5, hay ♠5 ♣5, mà không có ♦5 ♣5) và bộ dây số tiến (chỉ có ♦5 ♦6 ♦7mà không có ♦5 ♦6 ♣7). Với quân 2 (hay được gọi là heo) quyền lực, bạn cần bộ tứ quý (bốn cây cùng số bất kỳ), hoặc dùng lá 2 lớn hơn (♥ > ♦ > ♣ > ♠) để đánh bại.
Bạn đọc đến từ các tỉnh thành miền Nam sẽ thấy cách tôi mô tả luật chơi có phần chân chất khi nói “bộ đôi,” “dây tiến” mà không dùng từ chuyên ngành nào. Đây cũng là điểm khác biệt thú vị khác. Dù luật chơi chặt hơn so với kiểu chơi miền Nam, nhưng cách gọi trong Tiến lên miền Bắc bỗ bã hơn nhiều và ít tiếng lóng: không nói “sám cô,” “đôi thông” hay “sảnh.”
Chính nhờ luật chơi đơn giản, kiểu chơi này phổ biến ở mọi “chiếu” trong dịp Tết — cả “chiếu” trẻ em lẫn “chiếu” người lớn. So với các bạn nhỏ bây giờ, một trong những kỹ năng mà tôi tự tin mình giỏi hơn là khả năng chơi bài, đặc biệt là Tiến lên. Hồi nhỏ, mỗi lần về quê ngoại ăn Tết, niềm vui lớn nhất của chị em bốn đứa chúng tôi là được dịp đua tài với hơn 20 anh chị em họ khác ở mọi mặt trận. Những đứa không thích kiểu đánh nhanh thắng nhanh của Tôm, Cua, Cá hay ủ ê quá lâu với Cá ngựa thì sẽ đều tụ lại để chơi Tiến lên. Có những ván “trong sáng” thì đặt cược những cái búng tai, tẹt mũi, đánh tay; nhưng cũng có ván “trong tối,” khi chúng tôi đặt cọc những tờ tiền lì xì 200, 500 đồng mới kính coong vừa nhận được.
Ngay cả ở thời điểm hiện tại, Tiến lên vẫn là kiểu chơi yêu thích của người viết. Phần vì thời gian chơi không quá lâu, dễ chơi với nhiều người, nhưng chủ yếu vẫn là do khả năng tính toán “trên chiếu trẻ em, dưới chiếu người lớn” của tôi. Do vậy, trong các kiểu chơi dành cho cao nhân như tá lả được trình bày ngay sau đây, tôi chủ động đóng vai khán giả.
2. Tá lả
Đây là kiểu chơi bài thống lĩnh trong các dịp gặp mặt đầu xuân ở miền Bắc. Khi ai đó rủ: “Chơi bài đi!” nếu không nói cụ thể thêm, kiểu chơi bài ở đây mặc định là Tá lả.
Với thời lượng chơi mỗi ván lý tưởng khoảng 5-7 phút cùng những luật chơi đòi hỏi khả năng quan sát, tính toán và kinh nghiệm “đọc vị” người chơi, Tá lả là một trong những kiểu chơi trí tuệ (và may rủi) cho người chơi cảm giác phấn khích làm chủ vận mệnh và sự nơm nớp trước những sự chuẩn bị bí mật của đối thủ.
Sơ lược luật chơi
Tá lả thú vị nhất khi có 4 người chơi, ăn thua hơn khi có cặp đôi ngồi ở vị trí “chéo cánh” — họ có thể kìm kẹp người ngồi kế bên để đồng đội của mình có nhiều cơ hội hơn.
Mỗi người sẽ được chia 9 lá, riêng người đi đầu bốc thêm một lá ở “nọc,” tức xấp bài dư để giữa bàn. Mục đích cuối cùng của người chơi là kết hợp các lá bài, tạo bộ số đẹp hay gọi là “phỏm,” rồi hạ phỏm để bài ít điểm nhất có thể.
Phải nói luôn rằng, tôi không kỳ vọng bạn đọc có thể nằm lòng quy tắc chơi Tá lả thông qua phần viết này. Các video hướng dẫn có lẽ sẽ trực quan hơn và quan trọng hơn cả vẫn là kinh nghiệm thực chiến như người ta vẫn hay đùa: “Cứ thua là hiểu ngay.” Hi vọng rằng, phần sơ lược luật chơi Tá lả sau sẽ giúp người đọc hứng thú để tìm hiểu thêm.
Một vài thuật ngữ cơ bản trong Tá lả
- Phỏm: Bộ ít nhất 3 lá bài cùng số, hoặc dây tiến cùng chất
- Cạ: Bộ hai lá bài, “suýt” đủ để tạo phỏm
- Ù tròn: Toàn bộ bài tạo phỏm. Người chơi hạ bài và chiến thắng ngay lập tức
- Móm: Không tạo được phỏm nào
Một vòng chơi diễn ra như sau:
- Người chơi đầu tiên cầm 10 lá, đánh một lá bài rác xuống. Người kế tiếp có quyền ăn nếu thấy có cơ hội tạo phỏm. Nếu không, bốc một lá bài ở nọc và tiếp tục bỏ một lá bài rác xuống cho người tiếp theo.
- Tiếp tục như vậy cho đến khi hết bài ở nọc hoặc có người ù.
- Hạ phỏm và tính điểm. Không tính điểm phỏm chỉ tính tổng điểm bài rác. Người thắng là người có điểm ít nhất.
Xem thêm|: RedDoorz Quynh Giang Hotel Hoang Viet, TP. Hồ Chí Minh
Thực ra luật chơi không quá phức tạp, nhưng làm thế nào để “dụ” đối phương nhả đúng các lá bài mình thiếu thì cần một tay chơi lão luyện. Ngoài ra, với Tá lả, cái phức tạp nhất, cũng là điều khiến người ta mê say nó nhất lại là quy ước phạt. Tùy từng vùng miền và thống nhất của người chơi, các mức phạt-thưởng cho người thua, hớ, thắng khác nhau, nhưng có những cấm địa chính sau mà không ai muốn sa phải. Trong đó, phổ biến nhất là “đền”: Nếu vô tình nối giáo cho giặc bằng cách thả ba lá bài rác liên tiếp giúp người kế bên ăn, tạo phỏm và ù, bạn sẽ phải thay cả làng nộp phạt cho người ù (người thắng).
3. Tiến Lên miền Nam
Ở miền Nam, Tiến lên có thể được xem là “vua của mọi loại bài” vì độ phổ biến rộng rãi cũng như tính cạnh tranh cao của trò chơi. Về quy luật, Tiến lên miền Nam không có quá nhiều khác biệt so với phiên bản miền Bắc, nhưng cũng có những đặc điểm riêng để làm thay đổi cục diện thế trận.
Đầu tiên, Tiến lên miền Nam có phần dễ thở hơn khi cho phép người chơi đáp trả bằng những cây bài không đồng chất hoặc đồng màu. Nói cách khác, bạn có thể thỏa thích “mix and match” những cây bài tréo ngoe như bộ ba ♥5 ♠5♣5 hoặc sảnh ♠8 ♥9♥10 ♦J. Điều này tạo lợi thế lớn cho người chơi, vì không phải từng ngừng xé lẻ những cặp bài ăn ý hay cố thủ đến hết trận.
Tiếp theo, biến thể miền Nam có sự góp mặt của một “vũ khí hạng nặng” để “diệt” heo là đôi thông. Đây là tên gọi của tổ hợp ba đôi liên tiếp trở lên, như ♥5 ♠5♣6 ♥6 ♠7 ♥7 (ba đôi thông) hay ♣6♠6♣7 ♥7 ♠8 ♥8♦9 ♠9 (bốn đôi thông). Đôi thông càng lớn thì công lực càng mạnh. Chẳng hạn, ba đôi thông có thể chặt được một heo, nhưng phải đến bốn đôi thông thì mới hạ gục được đôi heo.
Ngoài ra, ván bài có thể diễn ra chóng vánh và kết thúc ngay sau khi chia bài, gọi là “tới trắng,” nếu người chơi sở hữu một đội hình “quyền lực.” Có rất nhiều cây bài có khả năng làm điều này, nhưng một số tổ hợp thường được bắt gặp là:
- Tứ quý heo: ♥2♦2 ♣2♠2
- Sảnh rồng (12 lá bài liên tiếp nhau): ♠3 ♦4 ♥5 ♣6 ♥7♦8♦9 ♠10 ♥J ♠Q ♣K ♣A
- Năm đôi thông: ♥4 ♠4 ♥5 ♦5♦6 ♣6 ♥7 ♣7 ♥8 ♦8
- Sáu đôi: 4♥4 ♦5 ♥5 ♠6 ♥6 ♣7 ♥7 ♠J ♦J ♠K ♣K
- Hai tứ quý: ♥4♦4 ♣4♠4 ♥9♦9 ♣9♠9
4. Xì dách
Bắt nguồn từ bài Blackjack, Xì dách được người chơi yêu thích nhờ sự gây cấn, cùng những khoảnh khắc khiến cả hội “ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa” khi những lá bài nghiệt ngã được tiết lộ.
Để bắt đầu một ván Xì dách, chúng ta cần có ít nhất hai người chơi. Một người sẽ đảm nhận vai trò nhà cái, những người còn lại sẽ vào vai nhà con. Nhà cái là nhân vật cao tay nhất khi có quyền kiểm bài của tất cả người chơi. Ngược lại, các nhà con có thể hợp tác và tiết lộ bài cho nhau để chống lại thế lực này.
Trong mỗi ván, nhà cái sẽ lần lượt chia cho mình và nhà con mỗi người hai lá. Sau khi chia, tất cả người chơi sẽ cùng xem bài, tùy vào điểm số của mỗi người mà chọn bốc thêm bài hay không, nhưng nhà cái luôn người bốc sau cùng. Mục tiêu của người chơi là không để tổng điểm (của tất cả các lá bài trên tay) vượt quá 21.
Trong Xì dách, các lá bài được tính điểm như sau:
- Các lá từ 2 đến 10 có giá trị tương ứng với số ghi trên bài. Chẳng hạn, nếu bốc phải lá 5, bạn sẽ có nhận được 5 điểm.
- Các lá J, Q, K được tính là 10 điểm.
- Lá A (Át/Xì) được tính là 1, 10, hoặc 11 tùy vào trường hợp.
Sau khi chia bài, nếu nhà cái hoặc nhà con sở hữu tổ hợp nào sau đây, người đó sẽ lập tức thắng cuộc:
- Xì bàn: Hai lá A (20/21 điểm)
- Xì dách: Một lá A và một lá 10, J, Q hoặc K (21 điểm)
Xem thêm|: Dấu ấn thời gian – Văn Nghệ Đà Nẵng
Trong trường hợp không ai có xì bàn hoặc xì dách, người chơi có quyền bốc thêm bài để đạt điểm số mong muốn, hoặc chấp nhận kết quả số phận đã an bài (hành động này gọi là “dằn”).
Tuy nhiên, bất kỳ lúc nào, nhà cái cũng có quyền lật bài nhà con nếu bản thân đã có đủ 16 điểm (đủ tuổi). Nếu nhà con chưa có đủ 16 điểm (chưa đủ tuổi) khi bị kiểm bài, họ sẽ bị xử thua ngay lúc đó.
Khi tiến hành rút thêm bài, một số trường hợp đặc biệt như sau có thể xảy ra:
- Ngũ Linh: Khi người chơi đạt dưới hoặc bằng 21 điểm với năm lá bài trên tay. Lúc này, họ sẽ là người thắng cuộc. Trong trường hợp có hai hay nhiều người chơi đạt Ngũ Linh, ai có ít điểm hơn sẽ là người chiến thắng.
- Quắc, chuyện xui rủi không ai muốn của xì dách: Khi người chơi có sổ điểm vượt quá 21. Người chơi bị quắc sẽ tự động thua cuộc và không được bốc tiếp.
5. Bài cào
Trong các loại bài phổ biến, bài cào có lẽ là trò chơi có quy luật đơn giản nhất, rất phù hợp cho những ai “gà mờ” nhưng vẫn muốn bon chen vào các cuộc vui Tết. Mỗi ván bài cào có thể ngã ngũ trong chưa đến vài phút, để lại nhiều ngẩn ngơ cho kẻ thua cuộc.
Không đòi hỏi chiến thuật cân não như Tiến lên, hay khả năng diễn xuất thần thánh như Xì dách, Bài cào thực sự là bài test nhân phẩm cho người chơi vì phụ thuộc hoàn toàn vào may mắn.
Mỗi người chơi sẽ được phát ba lá bài và dựa vào đó để tính tổng điểm (hay còn gọi là nút). Điểm trong Bài cào được tính trong khoảng 0 đến 9 — với 0 là nhỏ nhất và 9 là lớn nhất. Người chơi với số điểm bằng 9 hoặc gần 9 nhất sẽ là người chiến thắng.
Cách tính điểm của Bài cào có một số tương đồng với Xì dách, trong đó:
- Các lá từ 2 đến10 có giá trị tương ứng với số ghi trên bài.
- Các lá J, Q, K, được tính là 10 điểm.
- Lá A (Át/Xì) được tính là 1 điểm.
Tuy nhiên, trong Bài cào, tổng điểm chỉ được lấy từ hàng đơn vị. Chẳng hạn, nếu bạn rút được ba lá 8, 5, và 4, khi cộng lại là 17, tổng điểm của bạn sẽ là 7 điểm/nút.
Trong một số trường hợp đặc biệt, dù không có số nút cao nhất, người chơi vẫn có thể vinh quang chiến thắng nếu sở hữu những combo đặc biệt như sau:
- Sáp: Khi người chơi có ba lá bài giống nhau, như ♦3 ♣3♠3 hay ♥9♦9 ♣9. Trong trường hợp nhiều người chơi cùng có sáp, sáp của ai lớn hơn người đó sẽ thắng. Trong Bài cào, A là sáp có giá trị lớn nhất, và 2 là sáp có giá trị nhỏ nhất.
- Liêng: Khi người chơi có ba quân bài liên tiếp nhau như ♦3 ♣4♠5. Trong trường hợp nhiều người chơi cùng có liêng, liêng của ai lớn hơn người đó sẽ thắng. Trong Bài cào, QKA là liêng có giá trị lớn nhất, còn A23 là liêng có giá trị nhỏ nhất.
- Ba tây: Khi người chơi có ba lá mặt người JQK. Trong trường hợp nhiều người chơi cùng có ba tây, người chơi có thể phân định thắng thua bằng cách so chất của các lá bài theo thứ tự (♥ > ♦ > ♣ > ♠).