Nếu bạn đã quá quen thuộc với những địa điểm vui chơi trong nội thành hay quỹ thời gian dành cho việc tham quan có hạn thì cuối tuần này, hãy rủ nhau tạm rời thành phố, về vùng ngoại ô Hà Nội ghé thăm làng gốm Bát Tràng Gia Lâm. Tuy ở huyện nhưng nó cực gần Hà Nội. Về đến đây các bạn tha hồ được khám phá và bắt tay vào làm gốm thật nữa cơ. Cùng tham quan bảo tàng gốm Bát Tràng và tự tay làm ra những đồ vật mình yêu thích bằng gốm
Giới thiệu về trung tâm tinh hoa làng nghề Việt- Bảo tàng gốm Bát Tràng
Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt hay còn được gọi là Bảo tàng gốm Bát Tràng, đây là nơi gìn giữ và phát triển những văn hóa của làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng. Công trình này được lấy cảm hứng từ hình ảnh bàn xoay động – một công cụ không thể thiếu đối với những nghệ nhân làm gốm. Việc thiết kế bảo tàng đã mô tả lại quá trình người thợ thổi hồn cho khối đất sét để cho ra lò những thành phẩm gốm tuyệt mĩ. Hình khối công trình là hình ảnh 7 bàn xoay gốm đan kết vào nhau. Ngoài ra, kiến trúc sư với tôn chỉ tôn trọng nét mộc mạc, bình dị của làng gốm nên các vật liệu địa phương như gạch nung và ngói Bát Tràng được sử dụng triệt để trong sáng tạo của mình.
Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng tọa lạc tại số 28, thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Bảo tàng cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 20km, trước mặt nhìn ra dòng kênh Bắc Hưng Hải.
Bảo tàng gồm 5 tầng nổi và 1 tầng hầm, trong đó:
Tầng hầm (tầng G): khu Bàn Xoay Studio để trải nghiệm làm gốm
Tầng 1: Quảng trường bàn xoay, kiot nghệ thuật thủ công và siêu thị tinh hoa
Tầng 2: Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng, văn phòng Quang Vinh, phòng nghiên cứu sáng tạo mẫu
Tầng 3: Trung tâm nghệ thuật đương đại, homestay Indochina
Tầng 4: khu Ẩm thực tinh hoa gồm nhà hàng Linh Sơn, nhà hát Cung đình, quán cafe Bat Trang Checkin
Tầng 5: khu Hương Sa Trà – Hương Sa Art House và Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng
Cách thức di chuyển đến Bát Tràng từ Hà Nội bằng cách nào?
Đường đi tới Bảo tàng khá dễ nên bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe bus, xe máy hoặc ô tô
Xe bus (giá vé 7.000 VND/lượt): Bạn hãy cân nhắc lựa chọn các chuyến xe này nhé: xe số 08A, 08B Long Biên, xe số 34 bến xe Gia Lâm, xe số 40 Văn Lâm, xe 31, sau đó bạn đi bộ 1 đoạn ngắn sẽ thấy bảo tàng gốm
Xe máy, ô tô: Mình lựa chọn di chuyển bằng xe máy cá nhân nên khá chủ động và thoải mái di chuyển. Từ trung tâm Hà Nội, mình di chuyển theo hướng đi từ chân cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì men theo sông Hồng rồi theo biển chỉ dẫn đến Bảo tàng gốm Bát Tràng.
Giá vé
Giá vé vào bảo tàng sẽ chia thành nhiều loại khác nhau cho mình tùy chọn
Vé vào cổng và tham quan không gian nghề gốm ở tầng 1,2,4 có mức giá 50.000 VND/người
Vé tham quan tầng 3 trung tâm nghệ thuật đương đại CHON | DEL’ART có giá 50.000 VND/người
Vé trải nghiệm làm nghệ nhân nặn gốm: người lớn trên 1m30: 70.000 VND, trẻ em dưới 1m30: 50.000 VND
Vé thiền trà Hương Sa Art House có giá 40.000 VND/vé vào cửa, thưởng trà và thưởng thức tác phẩm điêu khắc, nếu bạn thuê cổ phục thì giá là 100.000 VND/1 lần thuê
Hôm đó chúng mình mua vé vào cổng tham quan và vé trải nghiệm làm nghệ nhân nặn gốm thì giá vé tổng cộng là 100.000 VND/người nhé!
Hoạt động trải nghiệm tự tay làm gốm
Ấn tượng đầu tiên khi đến đây của mình được gói gọn trong một từ “WOW”, tận mắt nhìn ngắm công trình này mới thấy độ hoành tráng của nó. Theo mình tìm hiểu thì bảo tàng gốm Bát Tràng được xây dựng bởi chị Hà Thị Vinh với số vốn đầu tư khoảng 150 tỷ, chị là thế hệ thứ 15 của một dòng họ làm gốm có lịch sử lâu đời nhất ở Bát Tràng. Đứng trước nguy cơ mai một của nghề làm gốm đã có từ lâu đời, chị muốn đóng góp công sức của mình để góp phần bảo tồn, gìn giữ tổ nghề và truyền lại tình yêu, niềm đam mê làm gốm tới các thế hệ sau.
Toàn cảnh không gian kiến trúc khoáng đạt của Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt
Thiết kế thông minh đón trọn ánh sáng tự nhiên
Check-in với bức tường gốm ảo diệu
Mình và bạn đến là rủ nhau ngay vào khu Bàn Xoay Studio để nặn gốm. Ngoài ra, mình thấy ở đây có cả khu tô tượng, nặn tượng cũng thu hút rất nhiều bạn trẻ và cả những cô chú đến trải nghiệm.
Chúng mình sẽ được các bạn nhân viên hướng dẫn lấy tạp dề để tránh bị bẩn quần áo khi nặn gốm, có rất nhiều tạp dề với đủ mọi loại màu sắc để mix-match cùng trang phục rất thú vị luôn.
Rất đông các bạn trẻ, gia đình, em nhỏ tới studio để làm gốm
Sau đó, các bạn nhân viên giúp mình lấy đất, chuẩn bị tất cả mọi thứ từ xô, chậu, dụng cụ tạo hình, bàn xoay,… việc của mình chỉ là lắng nghe các bạn ấy hướng dẫn trực tiếp. Nhìn thì cũng có vẻ khá đơn giản, các bước không quá cầu kỳ nhưng khi bắt tay vào làm với người mới như mình thì cũng khá loay hoay. Mình thấy rất đông người đến cùng nặn gốm giống mình và mỗi khi cần sự giúp đỡ thì nhân viên nhiệt tình chạy ra giải quyết nhanh lắm luôn, đây là một điểm cộng cực kì lớn cho Bàn Xoay studio.
Dụng cụ làm gốm đã được bố trí sẵn
Tự tay tạo ra tác phẩm riêng của mình
Một bạn đang tỉ mẩn tạo hình cho sản phẩm của mình
Đứa con tinh thần của mình sau mấy tiếng đồng hồ đập đi xây lại nhiều lần
Đối với mình, đây là một trải nghiệm siêu mới mẻ, đó là những giây phút tạm gác lại những bộn bề của cuộc sống thường ngày để ngồi lại cùng chuyện trò với những người bạn, để thỏa sức sáng tạo những hình dáng mình thích. Trên hết ở đó, công sức bỏ ra và quá trình nỗ lực để đạt được sự thỏa mãn là điều quý giá hơn cả. Ở Bàn Xoay Studio, cùng lấm lem, cùng tạo hình, cùng xây đắp nên chiếc gốm riêng cũng chính là khoảnh khắc gia đình, bố mẹ, ông bà có những giây phút gắn kết với nhau, để lại nhiều kỉ niệm khó quên.
Chưa hết đâu, khi đã hoàn thành tác phẩm của riêng mình thì bạn có thể mang ra phía bên ngoài để các bạn nhân viên nung gốm, quá trình này không mất quá nhiều thời gian đâu nha. Không gian dành cho việc ngồi tô màu cũng thật “nghệ” với background rực rỡ sắc màu của màu nước, của cây cọ, mình lại tiếp tục được đắm chìm trong thế giới hội họa. Trong một khoảnh khắc bất chợt nào đó mình đã trở thành “nghệ nhân” với đứa con tinh thần nhỏ xinh. Vậy nên, đừng để những rào cản rằng mình không có hoa tay, mình sẽ không làm được cản bước bạn nhé. Tin mình đi, ở đây những người xa lạ đã kết nối với nhau bằng những trải nghiệm hay ho như thế này đó.
Khoác tấm áo mới rực rỡ cho tác phẩm của mình
Trong lúc đó, bạn hãy tranh thủ chụp thật nhiều bức ảnh kỉ niệm ở các khu trưng bày khác nhé! Số lượng tác phẩm gốm sứ ở đây quả thật đồ sộ và phong phú, thể hiện những phong cách rất riêng của từng nghệ nhân cũng như đánh dấu từng chặng đường phát triển hoàn thiện của gốm.
Không gian trưng bày bên trong bảo tàng gốm Bát Tràng
Khu trưng bày gốm sứ xanh thật độc đáo với đủ mọi vật dụng từ bát, đĩa tới bình hoa,…
Đa dạng mẫu mã bình gốm cắm hoa
Con thuyền chở cả dòng thời gian đầy ắp gốm sứ
Mình cực kì mê mẩn các loại gốm đắp nổi như thế này
Ở đây với rất nhiều hoạt động thú vị khác nữa như thưởng trà, tô tượng hay tham quan khám phá các tác phẩm được trưng bày cũng sẽ khiến cho chuyến đi của bạn càng trở nên ý nghĩa. Nếu bạn đang lên ý tưởng cho một cuộc hẹn hò mà ở đó hai người có thể dễ dàng tâm sự và cùng nhau tạo nên điều đẹp đẽ hay cả nhà muốn có dịp gắn kết với nhau thì đây sẽ là một gợi ý không tồi chút nào.
Chúc bạn có thật nhiều những bức hình cũng như trải nghiệm khó quên ở nơi đây!